700 loài động vật quý hiếm không được bảo vệ Ếch Litoria wapogaenisi nằm trong số những loài chưa được bảo vệ.
Hơn 223 loài chim, 140 loài thú và 346 động vật lưỡng cư thuộc diện nguy cấp hiện không có một chế độ bảo vệ nào. Một báo cáo tại Hội nghị các công viên thế giới diễn ra ở Durban, Nam Phi, hôm 11/9 đã công bố như vậy.
Bản báo cáo phân tích lỗ hổng toàn cầu, do Trung tâm khoa học ứng dụng đa dạng sinh học thực hiện, cũng tìm thấy hơn 943 loài hiện sống ở những khu vực bảo vệ quá chật hẹp để có thể sinh tồn. Các tác giả nghiên cứu cảnh báo nếu không có những biện pháp bảo vệ tức thời thì một làn sóng tuyệt chủng lớn sẽ xảy ra trong vài thập kỷ tới.
Vùng đỏ là những khu vực có động vật quý hiếm chưa được bảo vệ.
Nhóm nghiên cứu đã lập một bản đồ về các khu vực bảo tồn và nhận thấy 80% mảnh đất có động vật quý hiếm chưa được bảo vệ nằm ở vùng nhiệt đới. Những loài đặc biệt nguy cấp sống trong các khu vực không được bảo vệ bao gồm chim giẻ quạt Caerulean Paradise (Eutrichomyias rowleyi) - chỉ còn khoảng 100 con sống ở đảo Sangihe, Indonesia, ếch Wuchuan ((Rana wuchuanensis) sống ở động Quý Châu, Trung Quốc và chuột túi ôpốt (Marmosa handleyi) ở Columbia.
Nhà nghiên cứu Ana Rodrigues cho biết: "Một số loài còn tồn tại được đến ngày nay là nhờ các khu bảo tồn. Tê giác trắng đã thoát khỏi nạn tuyệt chủng là nhờ được bảo vệ ở Nam Phi".
Các nhà hoạt động môi trường từng đặt kế hoạch sẽ bảo vệ được ít nhất 10% vùng đất trên thế giới. Cuộc phân tích cho thấy mục tiêu này còn lâu mới thực hiện được. Sự thâm hụt ngân sách 2,5 tỷ USD cũng gây ảnh hưởng tới những khu vực đang được bảo vệ.
"Chúng ta cần phải nhận thức rằng, bảo tồn thiên nhiên là trách nhiệm của toàn thế giới. Hầu hết các khu vực chưa được bảo vệ có giá trị sinh học vô cùng lớn và mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng", nhà nghiên cứu Andrew Balmford tại Đại học Cambridge, Anh, tuyên bố.
Theo Discovery